Post Page Advertisement [Top]

Phá thai là việc hủy hoại sự sống của một con người đang hình thành trong dạ mẹ. Phá thai có kết quả là khi hủy được sự sống của bào thai và đem ra ngoài.
 

Bộ Giáo luật năm 1983, điều 1398 quy định kỷ luật cho việc hủy hoại sự sống của thai nhi: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết". Như vậy, khi phá thai có hiệu quả thì không những người phụ nữ phá thai mà cả người thực hiện hoặc giúp thực hiện cũng mắc vạ tuyệt thông. Người mắc vạ tuyệt thông, nếu là thừa tác viên của Giáo Hội, thì ngoài việc mất đi sự thông hiệp thiêng liêng, họ còn bị hạn chế thi hành những thừa tác vụ theo chức năng của họ.          
 
I. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo năm 1992 xác định về vạ tuyệt thông
 
Vạ tuyệt thông là hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh các bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh. Vạ nầy dành cho một số tội nặng đặc biệt. Theo Giáo luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, các giám mục địa phận hay vị linh mục được uỷ quyền, mới có quyền tha vạ. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông (số 1463).
 
II. Giáo luật 1983
 
1/ Vạ tuyệt thông tiền kết 
 
Gọi là vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) là khi phạm tội là mắc vạ ngay tức khắc mà không cần người có thẩm quyền tuyên kết.Những tội bị hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết:
             
- Bội giáo, lạc giáo hay ly giáo (đ.1364,1).
- Ném bỏ, lấy hoặc giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Tòa (đ. 1367).
- Dùng vũ lực chống lại Đức Giáo Hoàng Rôma, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà (đ.1370,1).
- Giải tội phạm điều răn thứ sáu cho người đồng phạm, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà (đ.1378,1-x. 977).
- Giám mục phong chức giám mục cho một người mà không có giấy uỷ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, cũng như người được giám mục ấy phong chức cho, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà (đ.1382).
- Linh mục giải tội trực tiếp vi phạm ấn toà giải tội, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà (đ.1388,1).
- Thi hành việc phá thai có hiệu quả (đ.1398).
- Dùng máy thu âm ghi và phổ biến nội dung việc xưng tội, vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Tòa (đây là vạ mới, x. CDF 22/9/1988).
 
Bc.- Dành cho Tông Toà: chỉ Toà Thánh mới có quyền giải vạ.
- Nếu giáo sĩ hay tu sĩ phạm những tội nầy, thì ngoài vạ tuyệt thông, còn phải chịu một số hình phạt khác theo quy định của Giáo luật cho từng trường hợp.
- Các linh mục giải tội được ban năng quyền giải vạ tuyệt thông trong trường hợp phá thai, ở toà trong.
 
2/ Vạ tuyệt thông hậu kết
 
Gọi là vạ tuyệt thông hậu kết (ferendae sententiae) là sau khi phạm tội, phải được cơ quan thẩm quyền tuyên kết thì mới mắc vạ (x.đ.1425,1,2o). Những tội phạm bị vạ tuyệt thông hậu kết:
             
-Người nào không phải là tư tế mà dám cử hành Phụng Vụ Hiến Tế Thánh Thể. Người nào dám ban bí tích Giải Tội, hoặc nghe xưng tội như bí tích, mặc dầu không thể ban bí tích Giải Tội cách thành sự (đ. 1378,3).
             
-Thông dịch viên và tất cả những người biết được tội, do việc xưng tội, bằng bất cứ cách nào, vi phạm bí mật toà giải tội (đ.1388,2 -x.983,2).
             
  3/ Hình phạt dành cho những người bị vạ tuyệt thông (đ.1331)
             
a/ Cấm người bị vạ tuyệt thông:
 
  - tham dự cử hành Hiến Tế Thánh Thể và bất cứ nghi lễ phụng vụ nào khác bằng bất cứ cách nào với tư cách là thừa tác viên;
             
- cử hành các bí tích hay các á bí tích, và lãnh nhận các bí tích;
             
- thi hành các giáo vụ, các thừa tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hoặc thực hiện những hành vi lãnh đạo.
             
b/ Nếu vạ tuyệt thông đã được tuyên kết hay đã được tuyên bố, phạm nhân:
             
- phải bị loại ra hoặc đình chỉ hành động phụng vụ;
             
- thực hiện vô hiệu những hành vi lãnh đạo mà chiếu theo quy tắc của 1,3o đương sự không được phép làm;
 
- không được hưởng những đặc ân đã được ban cho trước đây;
             
- không thể lãnh nhận thành sự một phẩm chức, một giáo vụ, hay một nhiệm vụ nào khác trong Giáo Hội
             
- không đuợc hưởng các lợi lộc của một phẩm chức, một chức vụ, của bất cứ nhiệm vụ nào, hay của một khoản trợ cấp mà đương sự có được trong Giáo Hội.
 
III. Hình phạt cho việc phá thai
 
Giáo Hội dùng hình phạt nghiêm khắc đối với những người phá thai, vì đây là tội ác nặng nề giết người vô tội. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) đã gọi việc phá thai là một tội ác kinh tởm. Sách Giáo Lý Công Giáo năm 1992, số 2270 nhắc nhở: “Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội” (CDF, instr. Donum vitae, 1,1; x. CĐ Vaticanô II, GS 51,3).
 
Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong bài nói chuyện với những người tham dự Hội Nghị Công Giáo về Hôn nhân Gia đình ngày 5/04/2008 tại Vatican, đã tái khẳng định lập trường luân lý của Giáo Hội về vấn đề ly dị và phá thai: Ly dị và phá thai là phạm tội nặng, vi phạm phẩm giá con người, kéo theo sự bất công sâu sắc trong quan hệ người và quan hệ xã hội, xúc phạm đến Thiên Chúa, là Đấng bảo đảm cho khế ước vợ chồng và tác thành sự sống (La Croix 05/04/2008).
 
Ngoài những quy định của Giáo luật về vạ tuyệt thông và những hậu quả đi kèm, thì không ai có quyền ra vạ tuyệt thông mới, hoặc ra những hình phạt liên quan, trái với quy định của Giáo luật.

 Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bottom Ad [Post Page]

| Designed by Colorlib