Chùm ảnh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cuộc đấu tranh trong tuyệt vọng của bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Vừa qua, thông tin 7 người Philippines đã nhiễm virus Ebola đã khiến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đặt cảnh giác trước nguy cơ lây lan bệnh dịch lên mức báo động. Dù hiện tại virus Ebola chưa được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam nhưng Bộ Y tế đã nhận định đây là dịch bệnh nguy hiểm và đã đưa ra nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm giám sát cộng đồng.
Trong thời gian đại dịch Ebola bùng phát mạnh mẽ tại châu Phi, đã có rất nhiều bức ảnh đau thương về nạn nhân đau đớn, vật vã với căn bệnh được các nhiếp ảnh gia ghi lại. Qua mỗi bức ảnh, người xem như cảm nhận được nỗi đau, sự vất vả mà những người bệnh đang phải vật lộn, đối mặt hàng ngày, hàng giờ trước khi lìa xa cuộc sống.
Do tham gia vào tổ chức Tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders) - tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ cung cấp gói cứu trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, nạn đói hay chiến tranh... nhiếp ảnh gia Sylvain Cherkaoui đã có cơ hội tới Tây Phi và ghi lại hình ảnh ổ dịch nơi đây.
Đặc biệt hơn, trong chuyến đi của mình, Sylvain Cherkaoui đã gặp Finda Marie Kamano - một phụ nữ 33 tuổi đến từ Guéckédougou, Guinea và nghe kể về cuộc hành trình nhiễm bệnh của mình.
Finda Marie Kamano đã kể cho Cherkaoui về gia đình với 5 thành viên của mình đều bị nhiễm virus Ebola. Mới đây nhất, người em gái của Finda cũng đã nhiễm bệnh và trải qua những ngày đau đớn nhất của cuộc đời.
Dù đã rất cẩn thận nhưng trong một lần Finda giúp người thân của mình tắm rửa, cô đã vô tình tiếp xúc trực tiếp với chất dịch trên cơ thể người bệnh nên đã bị nhiễm.
Cô hiểu rằng, virus Ebola đã lây truyền qua người cô và cô sẽ sắp sửa đón nhận kết thúc đau đớn như những người thân của mình.
Hầu hết mọi người nơi đây đều hiểu, virus Ebola sẽ lây từ người qua người qua con đường tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh.
Ebola cũng có thể lây lan qua vết xước nhỏ trên da, niêm mạc người lành tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc thậm chí là qua vật trung gian như chăn đệm, ga giường, quần áo, kim tiêm...
Chính bởi vậy, nhiếp ảnh gia Cherkaoui trong trang phục đồ bảo hộ đã cố gắng an ủi Finda hi vọng sức khỏe sẽ khá hơn.
Ngày thứ ba kể từ hôm Cherkaoui gặp Finda lần đầu, trông cô yếu hơn nhưng ông luôn hi vọng, Finda sẽ vượt qua được và hồi phục dù tia hi vọng đó rất mong manh.
Theo các bác sĩ, Ebola đã vô hiệu hóa protein có chức năng ngăn chặn sự lây lan của virus từ tế bào này sang tế bào khác, từ đó đẩy lùi hệ miễn dịch của cơ thể Finda.
Finda có tâm sự với Cherkaoui rằng, hôm trước cô đã cố gắng ngồi dậy và uống được chút nước nhưng Finda cảm nhận sức khỏe mình ngày một yếu hơn. Sau khi các virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ lấy tế bào làm nơi sản xuất một lượng lớn hạt virus. Những hạt virus sẽ lan ra, nhiễm vào tế bào khác và lan rộng khắp cơ thể.
Cherkaoui đã hỏi thăm các y tá về bệnh tình của Finda và được biết rằng, sức khỏe cô ngày một cạn kiệt. Lưỡi hái Tử thần đã cận kề và có thể Finda sẽ ra đi "rất, rất nhanh".
Virus Ebola sẽ gây ra cục máu đông nhỏ trong máu. Cục máu ngày càng nhiều lên và ngăn dòng máu lưu thông đi nuôi các cơ quan trong cơ thể như gan, não, phổi, thận... của bệnh nhân.
Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và vết hở trên da. Bệnh nhân sẽ chết do mất máu quá nhiều, suy thận... Cherkaoui biết rằng, Finda hay bất cứ ai nhiễm virus Ebola đều đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận cái chết.
Mặc dù đây là loại virus nâng tỷ lệ tử vong lên tới 90% nhưng theo những con số mới nhất từ WHO thì đã có khoảng 40% bệnh nhân sống sót sau khi mắc Ebola. Tuy nhiên, những bệnh nhân này cần được phát hiện sớm để có sự chăm sóc kịp thời.
Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, các quốc gia ở châu lục này đã phải đóng cửa biên giới, thậm chí nhiều bệnh viện cũng bị quá tải vì không còn chỗ hay khả năng cứu chữa bệnh nhân Ebola.
Chính phủ Mỹ cùng nhiều nước đã quyết định cử đoàn bác sĩ, chuyên gia tới "lục địa đen" để cứu giúp các quốc gia trước nguy cơ dịch bệnh tiến triển mất kiểm soát và lan rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới.
Đại dịch Ebola đã và đang hoành hành ở Tây Phi làm hơn 1.603 người nhiễm bệnh và 900 người khác tử vong. Ebola vẫn tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát ở Guinea, Sierra Leone và Liberia - những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân: - Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…) - Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. - Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. - Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời. |
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Macleans, NzHerald, Smithsonianmag...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét